Những văn bản quy phạm pháp luật mới: Doanh nghiệp cần quan tâm

SBLAW gửi tới Quý khách hàng bản tóm tắt một số nội dung của các văn bản pháp luật có hiệu lực trong Quý 1 năm 2018.

1. Cá nhân đăng ký kinh doanh được mua bán hàng hóa qua biên giới

Đây là nội dung mới nổi bật tại Nghị định sốNĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

Theo đó, Nghị định chỉ rõ thương nhân được thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia bao gồm:

– Thương nhân Việt Nam: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (theo quy định hiện hành thì cá nhân không thuộc đối tượng điều chỉnh).

– Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Nghị định 14 cũng có nhiều quy định mới so với quy định hiện hành; đơn cử như đã bỏ chế định về Ban chỉ đạo thương mại biên giới được quy định tại Chương VII Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg.

Nghị định số 14/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/01/2018.

2. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của doanh nghiệp logistics

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 163/2017/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ logistics. Theo đó:

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp theo tỷ lệ khi kinh doanh dịch vụ logistics liên quan đến vận tải (quy định hiện hành chỉ cho phép thành lập công ty liên doanh).

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước là thành viên của WTO khi kinh doanh dịch vụ logistics phải đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ vốn góp và một số điều kiện sau:

– Dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa): Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu không quá 1/3 định biên của tàu; thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là người Việt Nam.

– Vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ thì 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.

Lưu ý: Thương nhân tiến hành 01 phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử có nối mạng Internet, mạng viễn thông di động; các mạng mở khác phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.

Nghị định số 163/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/02/2018 và thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP.

3. Bảy tiêu chí thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 28/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương.

Theo đó, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (Chương trình) bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được thực hiện theo 07 tiêu chí sau:

– XTTM cho sản phẩm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của vùng kinh tế, quốc gia, phát triển thị trường xuất khẩu;

– Nâng cao hiệu quả nhập khẩu, phục vụ phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu;

– Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, ngoại thương theo từng thời kỳ;

– Chương trình được Thủ tướng ban hành, có cơ chế phối hợp của bộ, ngành; Bộ Công Thương chủ trì, đầu mối;

– XTTM xuất khẩu, nhập khẩu liên kết giữa các bộ, ngành, giữa các ngành hàng hoặc giữa các địa phương;

– Triển khai thông qua các đề án thực hiện Chương trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định, được ngân sách nhà nước hỗ trợ;

– Đơn vị chủ trì đề án phải có uy tín, mang tính đại diện, có năng lực tổ chức.

Nghị định số 28/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2018 và Nghị định số 100/2011/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày Nghị định số 28/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

4. Thay đổi hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu

Đây là nội dung nổi bật của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31.

– Hồ sơ theo quy định mới bổ sung thêm các giấy tờ sau:

+ Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo mẫu;

+ Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu;

+ Bản sao quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);

– Bên cạnh đó, vẫn giữ nguyên các giấy tờ, hồ sơ theo quy định trước đó, đơn cử như:

+ Đơn đề nghị cấp C/O (đã thay thế bằng Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định 31);

+ Mẫu C/O tương ứng đã được khai hoàn chỉnh; …

Nghị định số 31/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/3/2018, thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của nghị định này.

5. Thay đổi tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 11/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009.

Theo đó, Nghị định quy định chi tiết các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng lĩnh vực.

Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm:

– Doanh nghiệp siêu nhỏ: có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ (trước đây không phân loại dựa vào vốn).

– Doanh nghiệp nhỏ: có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ (trước đây là 10 tỷ trở xuống).

– Doanh nghiệp vừa: có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ.

Ngoài ra, Nghị định còn hướng dẫn chi tiết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Nghị định số 39/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/3/2018.

6. Lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo.

Theo đó, Chính phủ đã hướng dẫn việc thành lập quỹ đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo như sau:

– Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ và không có tư cách pháp nhân; quỹ này không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác.

– Tài sản góp vốn có thể bằng Đồng Việt Nam, vàng, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác có thể định giá bằng Đồng Việt Nam.

Nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

– Danh mục và hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo gồm:

+ Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại;

+ Đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (ngày 11/3/2018).

7. Phải trả tiền nhuận bút khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 (Luật sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan.

Trong đó, Nghị định quy định rõ về khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể thỏa thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán, thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được do các tổ chức này tự thỏa thuận.

Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ủy quyền có trách nhiệm xây dựng danh mục hội viên, tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của hội viên và chịu trách nhiệm khi ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhận ủy quyền đại diện đàm phán thỏa thuận, thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất.

Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thỏa thuận thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo danh mục hội viên, tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được quy định tại hợp đồng ủy quyền.

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/4/2018.

8. Quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Ngày 12/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó quy định điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Cụ thể, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng 7 điều kiện:

  • 1- Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
  • 2- Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.
  • 3- Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này.
  • 4- Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
  • 5- Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này.
  • 6- Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
  • 7- Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Có 3 trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp:

  • 1- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn;
  • 2- Doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp;
  • 3- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

Nghị định cũng quy định cụ thể quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, trong đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nếu thuộc một trong các trường hợp: Doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có thực hiện chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú) hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương.

Doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó.

Nghị định số 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 02/5/2018.